Cho phép người khác làm tổn thương tinh thần mình thì có gọi là self harm không ạ?
Cho phép người khác làm tổn thương tinh thần mình thì có gọi là self harm không ạ? Và liệu việc đó là vì muốn tôi luyện tinh thần thép bên trong mình thì có thật sự tốt hay không ạ?
Chào bạn,
Rất cảm ơn bạn đã chọn InPsychOut là nơi để gửi gắm những thắc mắc của bản thân mình. Nếu xét về định nghĩa của self-harm, thì việc cho phép người khác làm tổn thương mình về mặt tinh thần sẽ không được xem là một dạng của self-harm. Self-harm theo các định nghĩa trong tâm lý học, sẽ gần hơn với từ self-injury, tức là tự làm tổn thương đến bản thân về mặt thể chất. Một số dạng self-harm sẽ bao gồm rạch tay/chân, tự thiêu bản thân (sử dụng những thứ như đầu lọc thuốc hoặc diêm), đưa bản thân vào những tình thế nguy hiểm dẫn đến bầm dập hoặc gãy xương, v.v. Tuy nhiên, chúng mình cũng hiểu ý bạn rằng việc để người khác xâm hại tinh thần mình là một hành vi không lành mạnh, có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe tâm lý của bản thân, và theo lẽ đó cũng sẽ đúng với nghĩa “tự làm hại bản thân”.
Ngoài ra, tuy không được định nghĩa là self-harm nhưng chúng mình cũng không ủng hộ việc một cá nhân để chính mình bị chèn ép theo cách này. Dù có xem đây là một hành động để tự tôi luyện bản thân đi chăng nữa thì riêng việc bạn nhận thấy rằng nó là một hành vi gây hại đến mình đã là một dấu hiệu cho thấy nó nên dừng lại rồi. Theo chúng mình, có nhiều cách khác mà bạn có thể áp dụng để tạo nên sức bật tâm lý trước những nghịch cảnh (adversity) mà không mang rủi ro cao như việc để một người nào đó lấn át bản thân về mặt tinh thần, vì nếu không cẩn thận, những tổn thương tưởng chừng như vô hại có thể biến thành bạo hành và gây nên những hậu quả khó có thể chữa lành.
Nhìn chung, có ba phương diện chính mà bạn có thể phát triển để đem lại một “tinh thần thép” như bạn mong muốn:
Tạo dựng và giữ gìn những mối quan hệ lành mạnh:
Việc ở quanh những người bạn tin tưởng và nhận được sự hỗ trợ từ họ sẽ tạo cho bạn một cảm giác an toàn và sự tự tin khi bước vào bất cứ khó khăn nào - đơn giản vì bạn hiểu rằng mình không đơn độc. Đây đồng nghĩa với việc tránh ở bên cạnh một người thường xuyên làm tổn hại đến tinh thần của bạn (như bạn có đề cập) mà dùng thời gian và công sức để nuôi dưỡng một mối quan hệ khác. Việc xây dựng một mạng lưới hỗ trợ tốt cũng sẽ giúp bạn cởi mở hơn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.
Quan tâm chăm sóc đến bản thân
“Self-care is not selfish” (“Chăm sóc bản thân không hề ích kỷ”), hãy ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, làm những điều khiến mình vui và tôn trọng những cảm xúc của bản thân. Chúng mình tin rằng bạn sẽ rất bất ngờ khi nhận ra rằng bản thân khi đó sẽ có đủ năng lượng để chiến đấu với những đợt căng thẳng hiệu quả hơn rất nhiều.
Giữ cho mình những suy nghĩ tích cực:
Hãy cố gắng bình tâm lại vài quan sát những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Có thể bạn đang lo lắng về một việc gì đó đang xảy ra, hoặc bản cảm thấy đổ vỡ trước những dự định không thể đạt được. Nhưng liệu chúng có thật sự là dấu hiệu rằng cuộc sống của bạn đang đi xuống không? Hãy chọn cách nghĩ về những vấn đề của bản thân một cách cân bằng và trung lập nhất. Bạn không thể tránh khỏi những trường hợp căng thẳng, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi cách nhìn của mình về chúng. Hãy chấp nhận những thay đổi, những trở ngại, dù chúng làm bạn cảm thấy bất an, vì chúng là một phần của cuộc sống và sẽ cho phép bạn học được rất nhiều. Những việc nho nhỏ này thôi sẽ dần giúp bạn cảm thấy tích cực hơn và có niềm tin rằng mình có thể chiến thắng bất kỳ một nghịch cảnh nào đấy.
Nguồn:
Best, R. (2006). Deliberate self-harm in adolescence: A challenge for schools. British Journal of Guidance & Counselling, 34(2), 161-175.
https://www.apa.org/topics/resilience
Nelms, B. C. (2001). Emotional abuse: helping prevent the problem. Journal of Pediatric Health Care, 15(3), 103-104.
*Chú ý: Những câu trả lời của IPO được dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân của các thành viên vì vậy không mang tính chẩn đoán hay trị liệu.