Em muốn thân thiết với mẹ giống như mẹ con của các gia đình khác…

Lúc em còn nhỏ ba mẹ em rất bận cho nên cấp 1 em phải học bán trú, lên cấp 2 thì chuyển về trường ở gần nhà. Mẹ em là một người nóng tính, đi làm về nếu có chuyện bực bội ở cơ quan thì hay quát mắng em hoặc không hài lòng về những việc em làm sau đó mắng em lúc đầu em cãi lại nhưng cái em nhận được không phải là sự lắng nghe mà là những cái tát đến từ mẹ và những lời chửi mắng "càng lớn càng láo", "tao nuôi mày lớn như thế này mà mày cãi lại tao vậy à" hoặc là "mày ngu vừa thôi lớn rồi mà không biết cái gì cả", v.v. Lúc đó, em luôn tự hỏi mình đã làm sai cái gì, đã làm gì chọc mẹ tức giận và khiến mẹ không vui. Sau khi em lớn hơn một chút thì rất ít khi cãi lại mẹ, hầu như học theo ba em im lặng chịu đựng. Kết quả là từ nhỏ đến lớn em chưa bao giờ tâm sự với mẹ và cũng tạo thành thói quen nhẫn nhục chịu đựng mỗi khi mẹ quát mắng. Nếu có cãi lại thì chỉ đúng một lần em giúp bạn thân gửi một tin nhắn đến người yêu nó vì điện thoại nó bị hỏng. Ba mẹ em phát hiện rồi sau đó mắng em, đánh em và cấm em không được chơi với bạn thân của em nữa trong khi tin nhắn này rất bình thường vì nó chỉ là lời giải thích của bạn em về việc vì sao không trả lời tin nhắn của người yêu nó. Bây giờ, khi em lớn hơn, lúc buồn, lúc suy sụp muốn tìm một người để tâm sự nhưng mà em chẳng nói nên lời. Nhiều lúc muốn tìm mẹ, nói mẹ nghe về chuyện đã xảy ra, nhưng khi đó em nhận ra rằng thật ra mối quan hệ của em với gia đình chỉ là mối quan hệ về mặt máu mủ mà thôi, quan tâm thì kiểu hình thức, chưa từng ngồi xuống trò chuyện với nhau, cùng lắm chỉ 20 phút và nếu có nhiều hơn thì có lẽ là cãi nhau. Chỉ cãi nhau thì mới được dài như vậy. Đúng là đáng buồn nhưng mà nó lại là sự thật. Em và mẹ đều không hiểu nhau, cảm giác giống như là người xa lạ nhưng lại có quan hệ máu mủ vậy. Vô cùng xa lạ vô cùng ngượng nghịu khi mà ở cùng nhau lâu.
Em chỉ muốn hỏi là em muốn thân thiết với mẹ giống như mẹ con của các gia đình khác không cần phải thân thiết quá mức nhưng có thể thân thiết hơn bây giờ được không? Liệu một mình em cố gắng thì có đủ không? Nhiều lúc em nản lòng vì quan điểm của em và mẹ không giống nhau nói chuyện nhiều một chút là lại cãi nhau, hiếm khi mà bình yên hòa hợp khi ở cùng nhau.


Chào bạn,
Cảm ơn những lời chia sẻ của bạn, và cảm ơn bạn đã tin tưởng và chọn IPO là nơi để trải lòng. Chúng mình muốn bạn biết rằng bạn không cô đơn, và đây có lẽ là một trải nghiệm mà rất nhiều người trong chúng ta đã và đang trải qua. Tuy nhiên, tình cảnh của mỗi gia đình là mỗi khác và chúng mình cũng không thể hiểu hết được mối quan hệ giữa bạn và mẹ. Vì vậy, chúng mình không thể đưa ra một giải pháp hoàn hảo cho trường hợp của bạn, nhưng chúng mình có thể đưa ra một số gợi ý mà bạn có thể sử dụng. Rất hy vọng rằng câu trả lời này sẽ có ích cho bạn, hoặc ít nhất sẽ giúp bạn đến gần hơn với những gì bạn muốn đạt được.

Việc xây dựng một mối quan hệ gần gũi, cởi mở, hiểu nhau cần nhiều công sức và thời gian. Qua những lời chia sẻ của bạn, chúng mình thấy rằng có thể mối quan hệ có phần xa lạ của bạn với mẹ tại thời điểm hiện tại phần nào đó là kết quả của nhiều lần tranh cãi gay gắt, những khúc mắc chưa bao giờ được tháo gỡ và nói đến trong quá khứ. Tuy nhiên, càng giữ trong lòng lâu, chúng lại vô tình tạo nên bức tường vô hình giữa hai người. Việc đập vỡ đi bức tường này để xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với mẹ sẽ là một quá trình dài, và đầu tiên chúng mình nghĩ bạn nên nhận ra điều này và tự cho bản thân mình thời gian để thực hiện nó.

Theo chúng mình nghĩ, bạn có thể bắt đầu tiếp cận “bức tường vô hình” này bằng một cuộc nói chuyện thẳng thắn. Chúng mình hiểu rằng những trải nghiệm trong quá khứ sẽ khiến bạn nghĩ rằng đây có thể là một việc công cốc, và kể cả nó có tác dụng đi chăng nữa thì cũng đã quá lâu kể từ khi hai bên có một cuộc hội thoại đúng nghĩa nên hiện tại việc này sẽ rất gượng gạo. Nếu bạn sợ rằng cuộc nói chuyện sẽ chỉ đi đến cãi vã thì hãy viết ra những suy nghĩ của mình. Viết chúng như bạn thường viết một lá thư, và đề tên gửi đến mẹ của bạn. Hãy nhắn ở cuối thư rằng bạn rất mong sẽ nhận được lời hồi đáp từ mẹ.

Một cách tiếp cận khác bạn có thể sử dụng là tìm một người thứ ba thân thiết với mẹ để làm cầu nối. Đó có thể là bố, là dì, là ông bà hay là một người bạn thân của mẹ. Hãy giải thích tình hình giữa bạn và mẹ, và để họ biết rằng bạn thật sự mong muốn có một mối quan hệ thân thiết và yêu thương hơn với mẹ. Nếu chuyện nhà của bạn có những tình tiết nhạy cảm mà bạn không muốn chia sẻ, bạn có thể tập trung nói về việc cảm xúc của mình - bạn cảm thấy như thế nào, và bạn muốn thấy như thế nào.

Để không khí trở nên bớt gượng gạo hơn, bạn có thể bắt đầu một thói quen cho gia đình. Mỗi bữa ăn chung, bạn hãy bắt chuyện và hỏi về những gì đã xảy ra trong ngày của bố mẹ. Bạn cũng có thể chia sẻ cho họ đôi điều về công việc, cuộc sống của bạn, hay đơn giản hơn, một điều thú vị mà hôm nay bạn đọc hay xem được ở đâu đó. Tuy nhiên, chúng mình muốn bạn biết rằng việc này sẽ không dễ dàng. Có thể bạn sẽ cảm thấy rằng bản thân không có chuyện gì để nói với bố mẹ và đôi bên không hề có điểm chung. Có thể bạn sẽ nản lòng khi những cuộc nói chuyện đầu tiên lại nổ ra thêm những tranh cãi khác. Nhưng chúng mình hy vọng bạn sẽ tiếp tục cố gắng, từng chút từng chút một. Cổ nhân có câu: “Nước chảy đá mòn”, và những thói quen bạn liên tục củng cố trong một thời gian dài sẽ dần trở nên dễ dàng và đỡ gượng gạo hơn.

Ngoài ra, theo những chia sẻ của bạn, chúng mình hiểu rằng mẹ bạn thường gặp nhiều căng thẳng trong công việc và chúng có những ảnh hưởng ít nhiều lên mối quan hệ giữa mẹ và bạn. Do đó, một gợi ý nữa là hãy tìm hiểu một số cách giải tỏa căng thẳng cho mẹ rồi sau đó cùng mẹ thực hiện chúng (ví dụ: cùng đi bộ tập thể dục, cùng tập yoga, thiền, v.v). Đương nhiên, cách giải tỏa của mỗi người lại mỗi khác, vì vậy cũng sẽ cần một chút thời gian để cả hai cùng tìm ra phương pháp phù hợp nhất. Ngoài việc giúp mẹ bạn giải tỏa cảm xúc, đây còn là một cơ hội tốt để cả hai có thể trở nên gắn bó hơn. Ngoài ra, việc có chung một mục tiêu thực hiện sẽ giúp cả hai quên đi sự gượng gạo ban đầu và chú trọng vào hoạt động đó.

*Chú ý: Những câu trả lời của IPO được dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân của các thành viên vì vậy không mang tính chẩn đoán hay trị liệu.

Previous
Previous

Cho phép người khác làm tổn thương tinh thần mình thì có gọi là self harm không ạ?

Next
Next

Năm lớp 8 đó là lần đầu tiên em nghĩ đến tìm sự giải thoát bằng cái chết…