Mình có một trăn trở trong một thời gian dài, rằng không biết liệu có phải mình đang mắc chứng bệnh OCD hay không?

Mình có một trăn trở trong một thời gian dài, rằng không biết liệu có phải mình đang mắc chứng bệnh OCD hay không?

Bản thân mình trước giờ hoàn toàn không có khái niệm gì về mental health, nhưng hiện tại những dấu hiệu đáng nghi ngờ này đang gây phiền toái và cản trở cuộc sống của mình rất nhiều. Triệu chứng của mình là bị ám ảnh bởi cảm giác bất an, thiếu sót. Bất cứ đồ đạc hay việc gì dù mình biết là đã okay rồi, nhưng mình vẫn không thể cảm thấy yên tâm. Nếu mình không tận mắt tự tay kiểm tra lại thêm n lần nữa để chắc chắn rằng nó đã ở đó đúng như mình ghi nhớ, là mình nổi điên và khó chịu kinh khủng. Hoặc là trong đầu mình mà nảy ra ý định làm nhiều thứ cùng lúc rồi bất chợt quên đi vài việc, mình sẽ cáu gắt, bực bội và đau đầu nếu như mình không thể nhớ ra và thực hiện hết tất cả y như những gì mình đã dự định lúc đầu, theo đúng quy trình mình đã nghĩ ra. Ban đầu mình cứ nghĩ mình lười, bất cẩn, thiếu sót và hay quên nhưng mình để ý mỗi ngày mình càng bị như vậy nhiều và nặng hơn.

Mình có tham khảo qua mạng và một số người bạn có kiến thức về tâm lý, họ đều bảo nghi ngờ mình mắc OCD. Và điều đó làm mình rất lo ngại, mình còn thường xuyên trằn trọc, mất ngủ và bị đau đầu, khó thở mỗi lần xảy đến những biểu hiện đó trong đầu nữa.

Chào bạn,'
Chắc hẳn bạn đã có khoảng thời gian mệt mỏi và khó khăn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ câu chuyện và đặt câu hỏi cho IPO. Trước tiên, trong khuôn khổ câu trả lời chúng mình xin được lưu ý rằng nội dung dưới đây hoàn toàn không mang tính chất chẩn đoán, và chúng mình cũng khuyến khích bạn không nên tự chẩn đoán mà nên gặp nhà chuyên môn uy tín nếu muốn có được thăm khám và chẩn đoán chính thức.

OCD (Obsessive-Compulsive Disorder) hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một rối loạn tâm lý trong đó người có rối loạn này có suy nghĩ, hình ảnh, những thôi thúc không thể kiểm soát hoặc không mong muốn, lặp đi lặp lại (ám ảnh) và/ hoặc hành vi mà họ cảm thấy nhất thiết phải thực hiện lặp lại để đáp trả cho những ám ảnh hoặc luật lệ nào đó cần phải tuân theo (cưỡng chế). Bạn có thể đọc thêm một số thông tin về suy nghĩ xâm nhập và OCD tại https://www.facebook.com/InPsychOut/posts/138514024624273 và
https://www.inpsychout.com/.../phan-loai-roi-loan-am-anh...

Sự ám ảnh bởi sự hoàn thiện, hoàn hảo và lo lắng, không yên tâm, khó chịu khi mọi thứ không theo một thứ tự và tạo thành một vòng luẩn quẩn càng lo thì càng cần kiểm tra hoặc làm lại nhiều lần, sau đó nhận thức được điều này lại càng lo ngại hơn là một trong những dấu hiệu chỉ báo cho một trong những triệu chứng phổ biến nhất của OCD. Sự cầu toàn cả về suy nghĩ và hành vi là những nỗ lực không ngừng để tránh sự khó chịu do cảm giác không chắc chắn, bị người khác phán xét hoặc thiếu chính xác. Khi những mong muốn tránh sự khó chịu vượt quá mong muốn làm tốt hoặc đạt mục tiêu cụ thể thì chúng sẽ trở thành vấn đề. Khi những biểu hiện này xảy ra với cường độ cao và gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày và bạn tìm cách để loại bỏ hoặc né tránh chúng, mất ngủ hay tức giận khi chúng xuất hiện thì đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp tâm lý từ nhà chuyên môn phù hợp để tìm hiểu chính xác những khó khăn mà bạn đang gặp phải là gì và có cách ứng phó tốt nhất.

Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể áp dụng để tạm thời ứng phó với tình trạng hiện tại trước khi tìm được sự hỗ trợ cần thiết:

1. Nói chuyện với ai đó bạn tin tưởng về những suy nghĩ và cảm xúc của mình

2. Luyện tập các kỹ thuật thư giãn: với những thứ bạn nghĩ là mình phải làm theo một quy trình đã định sẵn, hãy thử nghĩ rằng đôi khi quy trình này có thể thay đổi. Và sau đó tự hỏi bản thân rằng với sự thiếu hay khác so với dự định này có lúc nào làm bạn thoải mái không hay có những lĩnh vực nào mà bạn có thể chấp nhận chúng không. Có nhiều cách có thể áp dụng để giảm bớt cảm giác bực tức cáu giận khi thiếu sót xảy ra, ví dụ: hít thở sâu, chú ý tới không gian vật lý xung quanh sử dụng năm giác quan, … Rèn luyện những kỹ thuật này cũng giúp bạn bớt căng thẳng và lo lắng tức thời.

3. Đối mặt với sự không hoàn chỉnh: Mặc dù hướng tới sự hoàn hảo có thể gây ra rất nhiều khó khăn trong thời điểm này, nhưng nó cũng có thể khiến bạn khó bỏ thói quen hơn trong tương lai. Mỗi khi chúng ta tạo ra thành công một điều gì đó “đủ hoàn hảo” hoặc sửa chữa một sai lầm, chúng ta sẽ giảm bớt sự lo lắng hoặc khó chịu mà lẽ ra chúng ta phải cảm thấy. Điều này có vẻ như nhẹ nhõm trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, cảm giác nhẹ nhõm đó củng cố ham muốn của chúng ta để “hoàn thiện hóa” trong tương lai.

4. Có chế độ sinh hoạt điều độ và chăm sóc cơ thể tốt: sẽ rất khó để kiểm soát các biểu hiện đó khi chúng xảy ra nhưng có thể thay đổi cách bạn phản ứng với chúng nhưng việc thực hành các kỹ thuật trên cùng với việc ăn uống đủ dinh dưỡng, tập luyện điều độ và nghỉ ngơi đều sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn cả về thể chất lẫn cảm xúc, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ và trạng thái tinh thần.

Đây chỉ là một số phương pháp mà bạn có thể tự thực hiện để phần nào cải thiện sức khỏe tinh thần của mình, chúng mình hy vọng bạn sớm tìm được cách thức và sự hỗ trợ phù hợp.

Previous
Previous

Gần đây em nghĩ em bị Holiday blues, đi kèm với đó là mối quan hệ của em với bạn gái tưởng như đi vào ngõ cụt…

Next
Next

Mình bị hoang tưởng và rối loạn cảm xúc từ khi chưa có gia đình. Sau khi lập gia đình, những vấn đề trước đây của mình lại trở lại…