Mình bị hoang tưởng và rối loạn cảm xúc từ khi chưa có gia đình. Sau khi lập gia đình, những vấn đề trước đây của mình lại trở lại…
Mình rất muốn chia sẻ câu chuyện của mình nhưng không biết phải chia sẻ thế nào. Mình bị hoang tưởng và rối loạn cảm xúc từ khi chưa có gia đình. Sau khi lập gia đình và có đứa con thứ nhất, đứa con thứ hai; những vấn đề trước đây của mình lại trở lại và có lúc càng trầm trọng hơn; cụ thể là mình chống đối, vô cảm và không tin vào bất cứ ai. Mình rất thẳng và nóng tính. Cho hỏi mình nên làm gì để vượt qua những vấn đề của bản thân. Cảm ơn đã đọc những chia sẻ này. Mình năm nay 36 tuổi và lần đầu tiên mình bị mất ngủ, hoang tưởng và chống đối là vào năm mình 23 tuổi.
Chào bạn,
Chúng mình không biết là bạn đã nhận chẩn đoán chính thức từ các nhà chuyên môn uy tín về các triệu chứng hoang tưởng hay rối loạn cảm xúc hay chưa nhưng chúng mình biết rằng sống với tình trạng không tin vào bất cứ ai, thường xuyên mất ngủ trong 13 năm chắc hẳn đã gây ra cho bạn nhiều khó khăn và căng thẳng.
Hoang tưởng là nhận thức sai lầm về một kích thích có thực ở bên ngoài, chẳng hạn như hiểu sai rằng tất cả những người đi phía sau bạn ở ngoài đường đều là những người đang theo dõi bạn. Cứ 100 người thì có khoảng 3 người có các biểu hiện này và được gọi với cái tên là các triệu chứng loạn thần (mất kết nối với thực tế) tại một thời điểm trong đời, trong đó bao gồm cả tình trạng ảo giác; ảo giác khác với hoang tưởng ở chỗ chúng là những trải nghiệm giác quan xảy ra trong trường hợp không có các kích thích thực từ bên ngoài.
Biểu hiện không đặt niềm tin vào bất cứ ai và nghi ngờ họ có ý định không tốt hoặc muốn làm hại mình là một trong những dấu hiệu của triệu chứng hoang tưởng. Vậy phải làm thế nào khi tình trạng đó tiếp diễn gây ra lo lắng, mất ngủ và ảnh hưởng không tốt đến các mối quan hệ của bạn với người xung quanh? Không đóng vai trò là người tham vấn nên chúng mình chỉ xin phép đưa ra một số gợi ý đơn giản và thực tế dưới đây:
Chấp nhận tình trạng của mình và tìm cách chăm sóc bản thân: rõ ràng sẽ rất khó để ngăn chặn những niềm tin hay suy nghĩ sai lệch về mình hay về người khác hoặc bất ổn về cảm xúc khi chúng đang xuất hiện, nhưng nếu có thể chấp nhận rằng nó đang đến và bạn có thể chuẩn bị hành động và giữ an toàn cho bản thân, đừng cố gắng “loại bỏ nó” mà hãy thực hiện các bước để chăm sóc cho bản thân.
Hít thở sâu và thư giãn với kĩ thuật 537: kỹ thuật hít vào trong 5 giây, giữ hơi thở trong 3 giây và thở ra trong 7 giây dường như nghe rất vô ích nhưng sự lặp lại nhẹ nhàng này sẽ gửi một thông điệp đến não rằng mọi thứ đều ổn (hoặc sẽ sớm ổn thôi). Không lâu sau, bạn sẽ bắt đầu thư giãn và giảm bớt các phản ứng căng thẳng và cực độ.
Nhận thức cảm xúc của mình: giả sử khi bạn đang cảm thấy hết sức khó chịu hoặc muốn “chống đối” người khác vì cảm giác nghi ngờ và không tin tưởng và muốn ở một mình, hãy tự nhắc mình đó là điều mình cảm nhận được và có thể hành động một cách đối lập. Bạn có thể ra ngoài, nghĩ đến một người mình có khả năng tin tưởng nhiều nhất hoặc tìm một điều có thể giúp bạn ổn định trở lại như thiền định để quản lý cảm xúc của mình.
Chú ý tới 5 giác quan: thay vì tập trung vào một cái gì đó tách biệt hoặc một người nào đó gây cho bạn sự khó chịu, vào thời điểm đó hãy chú ý tới không gian vật lý xung quanh bạn, khám phá những gì mà mỗi giác quan của mình đang trải qua. Thử dừng lại và nhìn xung quanh, kim đồng hồ đang chuyển động hay cảm nhận chiếc ghế mềm bạn đang ngồi, mùi thơm thơm hôi hôi của con nhỏ trong phòng ngủ, ... Vài giây đó sẽ giúp bạn tập trung vào những gì hiện diện, có thật và ngay lúc đó.
Duy trì sinh hoạt điều độ: sẽ rất khó để kiểm soát các biểu hiện đó khi chúng xảy ra nhưng có thể thay đổi cách bạn phản ứng với chúng nhưng việc thực hành các kỹ thuật trên cùng với việc ăn uống đủ dinh dưỡng, tập luyện điều độ và nghỉ ngơi đều sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn cả về thể chất lẫn cảm xúc, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ và trạng thái tinh thần.
Việc tìm ra cách đối phó phù hợp cần có thời gian và sự kiên nhẫn nhưng nó cũng có thể tác động lớn tới đời sống của bạn. Chúng mình mong rằng bạn sớm tìm được kĩ thuật ứng phó hoặc sự giúp đỡ chuyên môn phù hợp và cảm thấy tốt hơn!