Năm lớp 8 đó là lần đầu tiên em nghĩ đến tìm sự giải thoát bằng cái chết…
Lưu ý: Đây là một post có liên quan đến suy nghĩ tự sát. Nếu chủ đề này gây ra những cảm xúc tiêu cực mạnh cho bạn thì chúng mình khuyên bạn nên dừng tại đây. Cảm ơn bạn đã quan tâm và ủng hộ chúng mình!
Năm em học lớp 6 gia đình em xảy ra một số chuyện cho tới gần cuối năm thì chuyện này được giải quyết. Mọi người trong gia đình em đều lựa chọn quên đi chuyện này đương nhiên em cũng muốn quên. Tuy nhiên em luôn cho rằng em là nguyên nhân gián tiếp gây ra chuyện đó. Vậy nên sau khi mọi chuyện được giải quyết thì em luôn dằn vặt bản thân tự trách bản thân về những việc em đã làm. Sau chuyện này em bắt đầu mất ngủ, khóc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn, đặc biệt là đêm nào cũng khóc giấc ngủ cũng không yên. 1 năm qua đi. Cho tới năm lớp 8 đó là lần đầu tiên em nghĩ đến tìm sự giải thoát bằng cái chết. Lúc đó em đang ở lớp học thêm khi nghĩ đến cái chết là lúc em đang nhắn tin cho bạn thân. Em nghĩ tới việc nhảy từ trên tầng cao của nhà xuống nhận ra suy nghĩ này nên em hơi giật mình lỡ nhắn cho bạn em nói là em muốn nhảy từ đó xuống. Có lẽ dọa sợ bạn em nên lúc em đang bước dần tới bên ngoài chuẩn bị nhảy xuống thì bị cảnh tỉnh bởi cuộc gọi của bạn em. Bình tĩnh lại em quay lại lớp học. Từ lần đó em rất hay nghĩ về việc tự tử. Áp lực học tập áp lực gia đình áp lực vì em tự dằn vặt bản thân khiến em mệt mỏi muốn giải thoát. Rất nhiều lần nhìn 1 vật dụng nguy hiểm để suy đoán khả năng về cái chết của mình. Lúc đi xe thì nghĩ nếu đâm vào ô tô hay 1 cái gì đó to lớn thì khả năng chết cao bao nhiêu. Tuy nhiên lý trí của em rất tốt. Luôn kiềm chế bản thân khi nhận ra được vấn đề của bản thân liền lao đầu vào học khiến bản thân mệt mỏi dễ ngủ không có thời gian suy nghĩ những việc đó nên em đã ráng chịu đựng được cho tới tận năm em học lớp 12. Tuy nhiên em biết những suy nghĩ đó vẫn còn. Chuyện xảy ra năm em học lớp 6 vẫn còn mới mẻ trong trí nhớ của em. Chỉ cần rảnh là nhớ tới. Năm 12 em được phát hiện bệnh ung thư tuyến giáp. Suy nghĩ đầu tiên không phải là sợ mà là hưng phấn và vui vì có lẽ em không cần tìm cách chết mà thần chết đã tìm đến em rồi. Em không hề muốn chữa trị mà chỉ muốn cứ như vậy rồi chết đi. Tuy nhiên, ba mẹ em bắt em điều trị. Trước khi mổ em đã cầu nguyện mình được chết trên bàn mổ nhưng lời ước đó không thành sự thật. Bây giờ tuy vẫn phải điều trị bệnh nhưng khả năng tử vong quá thấp. Sau khi thi xong em không hề áp lực về mặt điểm số nhưng vô cùng lo lắng vì sự rảnh rỗi của bản thân. Em bắt đầu mất ngủ liên tục vài đêm liền bắt đầu suy nghĩ về cái chết. 6 năm qua không chỉ phải chịu đựng dằn vặt về tinh thần mà thể xác em cũng không hề thoải mái. Thường xuyên đau đầu đau chân tay có thể nói là vô cớ, mà đau các bộ phận nhất là hệ tiêu hóa kém vô cùng và vết mổ sau nửa năm thì cũng bắt đầu đau. Khiến em rất thường xuyên tìm cách giải thoát. Cô giáo chủ nhiệm năm cấp 2 là người duy nhất nhận thấy sự bất thường trong cảm xúc của em. Cô khuyên em nên đi khám tâm lý nhưng em không biết tâm lý của mình thực sự có vấn đề không? Có lẽ thật sự có vấn đề nhưng nhiều lúc khi cảm xúc tiêu cực đến khiến em nghĩ có vấn đề cũng tốt, 1 ngày nào đó không chịu nổi thì tự kết liễu có khi lại là một kết thúc tốt.
Chào bạn,
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ câu chuyện của mình với IPO. Có lẽ trong khoảng thời gian 6 năm qua bạn đã trải qua nhiều trải nghiệm khó khăn, từ việc cảm thấy mình có lỗi với gia đình cho tới những suy nghĩ không muốn tiếp tục sống và những mệt mỏi trong quá trình tiếp nhận điều trị ung thư tuyến giáp. Không những thế, bạn còn thường xuyên cảm thấy câu chuyện của năm lớp 6 như mới xảy ra và luôn nghĩ về nó với sự dằn vặt, mong muốn đổ lỗi cho bản thân. Những điều này chắc hẳn đã không cho phép bạn có những phút giây thoải mái và tự do mà đáng lẽ ở độ tuổi ấy bạn phải cảm nhận được.
Dựa trên những gì bạn chia sẻ, chúng mình có một số suy nghĩ như sau: sự kiện xảy ra đối với gia đình bạn 6 năm trước có ảnh hưởng rất lớn tới bạn, và làm bạn cảm thấy chỉ có thể giải thoát khỏi những cảm xúc này bằng cách chết. Vì vậy chúng không những còn đó mà lại kéo theo cả những hệ quả trong đời sống tinh thần và thể chất của bạn. Khi việc sống trở nên quá khó khăn, hầu hết mọi người đều có xu hướng tìm kiếm những điều làm cho mình cảm thấy dễ chịu hơn, an toàn hơn, bớt tội lỗi hơn. Đó là nhu cầu cơ bản và hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, việc những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực tạm thời này không được giải quyết sẽ dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn. Trong trường hợp của bạn, đó là những ý nghĩ về cái chết.
Chúng mình nghĩ rằng có thể những suy nghĩ tiêu cực trong suốt 6 năm qua mà bạn đã trải qua, và giữ trong lòng, đã dần tạo ra thói quen nhìn nhận vấn đề một cách tiêu cực mà chính bạn cũng nhận ra đó là một điều không tốt. Cái đang giữ những suy nghĩ tiêu cực của bạn khỏi những hành vi gây hại cho bản thân có lẽ là lý trí mà bạn đã nhắc tới. Tuy nhiên, nếu kéo dài, những suy nghĩ tiêu cực này sẽ dần chiến thắng, và như bạn nói, việc tự kết liễu sẽ có thể xảy ra. Việc nghĩ rằng đây cũng có thể là một điều tốt xảy đến với bản thân có lẽ cũng đến từ chính những suy nghĩ tiêu cực đó. Nhưng chúng mình hi vọng rằng bạn sẽ không để chúng có cơ hội chiến thắng.
Chúng mình không ngạc nhiên khi bạn nói tới các triệu chứng đau cơ thể hay suy giảm chức năng hệ tiêu hóa. Sức khỏe tinh thần và thể chất thường có mối liên hệ mật thiết với nhau, và khi tâm trí bạn phải trải qua những căng thẳng hoặc sang chấn kéo dài thì cơ thể bạn cùng dần mất đi khả năng hoạt động tối ưu. Những vấn đề thể chất này lại làm bạn ngày càng trở nên mệt mỏi và khó chịu, từ đó dẫn đến những tác động sâu hơn đối với tinh thần, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Vì vậy, chúng mình nghĩ rằng một cách tốt để giúp bản thân xây dựng lại sức khỏe thể chất là qua việc giải quyết những vấn đề nội tâm.
Chúng mình luôn khuyến khích bạn đối mặt với những suy nghĩ của bản thân, tuy nhiên, với ý định tự sát, chúng mình cho rằng bạn có thể đi theo một hướng khác. Do những suy nghĩ tự sát thường đến và đi theo đợt, việc sử dụng một vài phương thức khác nhau để làm phân tâm bản thân cho đến khi khoảng thời gian ấy qua đi là một lựa chọn tốt hơn. Ví dụ, hãy đến nhà bạn bè và giải thích với họ rằng bạn cần ở một nơi an toàn để không hại bản thân. Ngoài ra, bạn có thể làm những việc đòi hỏi tập trung cao độ, như tập thể dục, hay trả lời một số thí nghiệm ý nghĩ (thought experiment). Nếu bạn không muốn phải nói chuyện hay phải giải thích về tình trạng của bản thân, bạn cũng có thể đi dạo một chút ở công viên. Việc bước ra khỏi môi trường nơi bạn thường có những suy nghĩ tự sát và đến một nơi công cộng sẽ giúp bạn “đánh lạc hướng” và giữ an toàn cho bản thân.
Chúng mình hy vọng những suy nghĩ bên trên của chúng mình sẽ giúp bạn nhìn nhận lại những việc mình đã và đang trải qua và có thêm cân nhắc đối với việc tìm kiếm sự hỗ trợ khi bạn cảm thấy cần thiết vì rõ ràng luôn có người quan tâm tới bạn như cô giáo của bạn.
*Chú ý: Những câu trả lời của IPO được dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân của các thành viên vì vậy không mang tính chẩn đoán hay trị liệu.