Bạn em khá là cố chấp và hiếu thắng, đến mức quá đà gây ảnh hưởng đến tâm trạng và cuộc sống…
Bạn em khá là cố chấp và hiếu thắng, đến mức quá đà gây ảnh hưởng đến tâm trạng và cuộc sống. Mặc dù lý trí thì bạn ấy hiểu rằng nên từ bỏ nhưng trái tim thì cứ cố chấp dù cho chuyện đó không đi đến đâu cả. Và không phải riêng gì chuyện tình cảm mà các chuyện khác cũng vậy. Bạn ấy cảm thấy mệt mỏi, dằn vặt, và không thể ngừng nghĩ về những chuyện đó. Làm thế nào bây giờ ạ?
Chào bạn,
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi thư đến cho chúng mình. Việc cố chấp hay hiếu thắng về một vấn đề gì đó là hoàn toàn dễ hiểu khi một cá nhân muốn bảo vệ những lập trường và hệ thống niềm tin của mình. Về bản chất, không có một tính cách nào là thực tốt hay thực xấu. Tính cố chấp hay hiếu thắng nói trên, dù thường không nhận được nhiều thiện cảm, vẫn đóng những vai trò nhất định giúp bạn phát triển bản thân - ví dụ như tạo động lực để bạn có thể đạt được những thành tựu mong muốn. Tuy nhiên, theo những gì bạn kể, thì việc thường xuyên cố chấp và hiếu thắng này lại đang gây ra những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực cho người bạn của bạn, khiến chất lượng sống của bạn ấy đi xuống. Trong trường hợp này, bạn có thể gợi ý và hỗ trợ bạn ấy thực hiện một số cách sau đây:
1. Dừng lại một chút:
Một trong những cách đơn giản nhất mà người bạn này có thể làm là dừng lại để tĩnh tâm trước khi cuộc tranh luận biến thành tranh cãi. Trong khoảng thời gian này, dù chỉ 30 giây, hãy hỏi bản thân: “Mình đang tham gia vào cuộc tranh luận này vì mình thật sự quan tâm và xem trọng chủ đề này, hay vì mình cho rằng bản thân bị chỉ trích, và đây đơn giản chỉ là một cơ chế phản ứng để bảo vệ bản thân?”. Nếu câu trả lời của bạn ấy tương đương với vế đầu, thì hãy tiếp tục bảo vệ lập trường của mình. Nếu không, thì đây là một thời điểm tốt để buông bỏ. Việc dành thời gian để ngẫm nghĩ cũng sẽ phần nào giúp bạn bình tĩnh lại.
2. Cởi mở và luyện tập tư duy linh hoạt:
Khi trò chuyện với những người trái quan điểm trong những vấn đề nhạy cảm, hãy thử cởi mở với cách nghĩ của họ hơn bằng cách lắng nghe và đặt mình vào góc nhìn của họ. Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome - trong câu chuyện này có thể cả bạn và họ đều đúng. Hãy đặt thêm những câu hỏi vì sao họ lại đi đến những kết luận ấy cũng như động cơ nào khiến họ ủng hộ cho một tư tưởng nhất định. Qua thời gian, việc thường xuyên lắng nghe và học hỏi ý kiến từ những người khác, kể cả những quan điểm trái ngược tư duy của bạn, sẽ giúp bạn dần cởi mở và linh hoạt hơn trong cách suy nghĩ, từ đó không quá câu nệ đúng-sai hay trắng-đen nữa.
3. Suy xét lý do bạn luôn cần phải thắng:
Mục này sẽ áp dụng nhiều hơn cho việc cải thiện sự hiếu thắng quá độ. Hãy suy ngẫm lại vì sao bạn luôn muốn là người thắng cuộc, dù cho đó là một cuộc thi hay một cuộc tranh luận. Liệu điều này xảy ra vì bạn là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo - luôn cần phải chiến thắng để chứng minh khả năng của bản thân? Hay vì bạn luôn so sánh bản thân với người khác, và việc cạnh tranh với họ giúp bạn nhận biết giá trị của mình nằm ở đâu? Dù lý do của bạn là gì, việc xác định được nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc kiểm soát bản thân, vì khi đó bạn có thể xử lý chính nguyên nhân gốc rễ của sự việc, thay vì chỉ giải quyết những biểu hiện mà nó gây ra (trong trường hợp này biểu hiện đó là sự cố chấp và hiếu thắng).