Làm sao để phân biệt đa nhân cách và tâm thần phân liệt ạ?

𝑳𝒂̀𝒎 𝒔𝒂𝒐 đ𝒆̂̉ 𝒑𝒉𝒂̂𝒏 𝒃𝒊𝒆̣̂𝒕 đ𝒂 𝒏𝒉𝒂̂𝒏 𝒄𝒂́𝒄𝒉 𝒗𝒂̀ 𝒕𝒂̂𝒎 𝒕𝒉𝒂̂̀𝒏 𝒑𝒉𝒂̂𝒏 𝒍𝒊𝒆̣̂𝒕 𝒂̣?

Chào bạn,
Đầu tiên, chúng mình muốn phân biệt hai loại rối loạn này theo hướng phân loại. Rối loạn đa nhân cách (multiple personality disorder), nay đã được đổi thành rối loạn phân ly danh tính (dissociative identity disorder), là một dạng rối loạn phân ly (dissociative disorders). Còn tâm thần phân liệt (schizophrenia) thuộc phổ rối loạn loạn thần (psychotic disorders).

Rối loạn phân ly danh tính và tâm thần phân liệt về tính chất hoàn toàn không giống nhau. Rối loạn phân ly danh tính vẫn còn gây nhiều tranh cãi về sự tồn tại của chẩn đoán này. Rối loạn phân ly danh tính vẫn bao gồm nhiều trạng thái tính cách khác nhau như chẩn đoán rối loạn đa nhân cách trước đó. Những trạng thái tính cách này có thể bao gồm những sở thích, phổ hành vi hay cảm xúc trong cùng một người. Cùng với sự xuất hiện của những trạng thái tính cách này là sự phân ly nhận thức ra khỏi cơ thể (dissociation). Họ có thể cảm thấy như thể mình đã thoát ra ngoài cơ thể của bản thân và quan sát cơ thể của mình làm những việc dưới góc nhìn của một người ngoài cuộc. Ngoài ra, họ còn trải qua những khoảng trống trong ký ức khi họ rơi vào trạng thái tính cách khác (Sar, Dorahy, & Kruger, 2017). Việc này trái với những ý kiến trước đây và cách miêu tả trên phim ảnh rằng dạng rối loạn này bao gồm một tâm trí với nhiều cái tôi khác nhau, và khi một cái tôi nắm quyền thì những cái tôi còn lại vẫn ý thức được mọi chuyện đang xảy ra. Trái với nhiều người vẫn thường nghĩ, các trường hợp được ghi nhận liên quan đến rối loạn đa nhân cách thường nhận xét rằng họ (nhân cách lúc được phỏng vấn) không biết đến sự tồn tại của những nhân cách khác của bản thân (Sar et al, 2017). Lý do loại rối loạn này được xét chuyển thành rối loạn phân ly thay vì rối loạn tính cách là vì những vấn đề phân ly mới là nguồn cơn chính dẫn đến những khó khăn mà họ phải trải qua. Rối loạn phân ly được điều trị chủ yếu bằng các trị liệu tâm lý.

Tâm thần phân liệt là một dạng rối loạn loạn thần được nhận biết bởi các triệu chứng phức tạp (Patel, Cherian, Gohil, & Atkinson, 2014). Các triệu chứng được chia ra thành ba dạng: positive (triệu chứng thêm), negative (triệu chứng bớt) và cognitive (triệu chứng nhận thức). Các triệu chứng thêm, như tên gọi, thêm những trải nghiệm hay các hành vi ngoài ý muốn đối với người bệnh, trong đó bao gồm các dạng hoang tưởng và ảo giác. Hoang tưởng, những ý tưởng hoặc phán đoán vô căn cứ, có các dạng điển hình như hoang tưởng rằng mình bị theo dõi (persecutory), rằng những thông điệp chung trên truyền hình thực chất là dành riêng cho mình (referential) hoặc bản thân có những quyền hạn toàn năng (grandiose). Ảo giác, những cảm giác không có thật, bao gồm việc nhìn thấy những thứ không có thật chẳng hạn như một con quái vật cao 8 mét ở góc phòng (visual), liên tục có những giọng nói trong đầu (auditory; đây cũng là dạng ảo giác thường được mô phỏng trên phim ảnh) hay cảm thấy trên da thịt có những con côn trùng liên tục bò trườn (tactile). Ngược lại, những triệu chứng bớt bao gồm việc mất đi những chức năng thường thấy, như nhạt nhòa cảm xúc hay mất đi khả năng hưởng thụ (anhedonia). Các triệu chứng nhận thức thường bị ảnh hưởng bao gồm việc mất đi khả năng tập trung, sắp xếp suy nghĩ, hay mất khả năng sử dụng ngôn từ (một ví dụ điển hình là word salad - nói ra một câu có vẻ hoàn chỉnh nhưng lại là hỗn hợp những từ ngữ và cấu trúc câu bất thường và vô nghĩa). Khác với rối loạn phân ly, tuy trị liệu tâm lý thường được dùng để bổ trợ nhưng cách điều trị chủ yếu đối với tâm thần phân liệt vẫn là thuốc.

*Chú ý: Những câu trả lời của IPO được dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân của các thành viên vì vậy không mang tính chẩn đoán hay trị liệu.

Previous
Previous

Bị trầm cảm có nên học ngành tâm lý không?

Next
Next

Bạn em bị rối loạn lưỡng cực, mà em không biết rối loạn lưỡng cực là gì …