"Nên" Và "Không Nên" Trong Mối Quan Hệ Với Người Có Rối Loạn Tâm Lý

Duy trì và phát triển một mối quan hệ lãng mạn là một điều không hề dễ dàng với bất kỳ ai. Nếu bạn đang ở trong một mối quan hệ lãng mạn với ai đó có các khó khăn hay rối loạn tâm lý, điều này có thể trở nên khó khăn và căng thẳng hơn rất nhiều. Trong một mối quan hệ như vậy, đôi lúc có thể bạn sẽ cảm thấy như có người thứ ba, luôn đem tới cho bạn những cảm giác hoài nghi và sự không chắc chắn. Để các khó khăn tâm lý không trở thành người thứ ba trong mối quan hệ của bạn, việc tìm hiểu về chúng, về những ảnh hưởng của chúng tới mối quan hệ của bạn cũng như những điều bạn có thể làm để giúp đỡ đối phương là những điều rất cần thiết. 

Ở trong một mối quan hệ với người có rối loạn tâm lý không đồng nghĩa với việc bạn luôn phải ở trong một trạng thái "nhạy cảm". Việc lo lắng rằng bạn có thể nói gì đó không đúng hay vô tình làm tổn thương đối phương là một chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, cùng với thời gian, bạn sẽ tìm ra được cách để sống chung, và hỗ trợ họ một cách tốt nhất để những vấn đề tâm lý này không ảnh hưởng tới mối quan hệ của hai người. Việc này có thể rất khó và cần nhiều sự kiên trì tại giai đoạn đầu của mối quan hệ, khi hai bạn mới bắt đầu tìm hiểu, xây dựng lòng tin, và bạn còn chưa hiểu rõ về những khó khăn tâm lý của đối phương.

Việc duy trì và phát triển một mối quan hệ với người có rối loạn tâm lý chắc chắn sẽ có những lúc đem lại cho bạn những cảm giác choáng ngợp và mệt mỏi, đặc biệt ở những thời gian đầu. Bài viết này sẽ đưa ra một vài gợi ý về những điều "nên" và "không nên" để bạn có thể cải thiện và phát triển mối quan hệ này một cách tốt nhất, và hơn nữa, không để các rối loạn tâm lý trở thành người thứ ba trong mối quan hệ của bạn. 

NÊN: 

  1. Tìm hiểu về các khó khăn và trải nghiệm của đối phương: Điều đầu tiên và cũng là một trong những điều quan trọng nhất bạn nên làm là tìm hiểu thật kỹ về rối loạn cũng như các triệu chứng của đối phương. Chỉ khi bạn hiểu được điều này, bạn mới có thể đưa ra cách đối phó và giúp đỡ đối phương tốt nhất. Ngoài ra, hãy nhớ rằng, trải nghiệm với các vấn đề tâm lý đối với mỗi người sẽ là độc nhất. Vì vậy, bạn cần quan sát kỹ "khó khăn tâm lý của đối phương" để có thể hiểu được chúng một cách rõ ràng nhất (Ví dụ: điều gì khiến đối phương trở nên lo âu và buồn rầu, điều gì giúp họ bình tĩnh lại, điều gì cho thấy họ đang ở trong giai đoạn trầm cảm, v.v.). 

  2. Chia sẻ và xác nhận cảm xúc và trải nghiệm của đối phương: Khi đối phương mở lòng và chia sẻ với chúng ta về những cảm xúc của họ, đôi khi rất dễ để chúng ta đáp lại với những lời nói giảm nhẹ tưởng chừng vô hại như "Ôi chuyện ấy có gì đâu, em đừng để ý" hay "Em biết là anh đang thấy khó khăn nhưng mà đầy người còn khổ hơn ý, cố gắng lên".  Những câu nói này tuy không bắt nguồn từ bất kỳ ác ý nào, lại có những hậu quả vô cùng lớn tới đối phương. Những câu nói này có thể làm cho họ cảm thấy rằng những cảm xúc và trải nghiệm của họ bị xem nhẹ và bỏ qua. Từ đó, việc tiếp tục mở lòng và tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn sẽ trở nên khó khăn hơn với họ. Việc đồng cảm và xác nhận cảm xúc của đối phương đơn giản chỉ có nghĩa rằng bạn cho họ thấy rằng bạn nhìn thấy và tôn trọng những cảm xúc của họ, kể cả khi bạn không nghĩ rằng đây là những cảm xúc phù hợp hay những phản ứng bạn sẽ có trong trường hợp tương tự. Vì vậy, lần tới, khi đối phương tìm đến bạn, bạn có thể bắt đầu bằng những câu như: "Em biết anh đang ở trong một giai đoạn khó khăn vì chuyện này, em có thể giúp được gì?" hay "Anh không biết phải giúp em như thế nào, nhưng anh biết rằng em đang không ổn và cần người ở bên cạnh". 

  3. Lắng nghe và thể hiện sự quan tâm thường xuyên: Việc thường xuyên cho đối phương biết và thấy tình cảm của bạn sẽ giúp họ cảm thấy an tâm hơn về mối quan hệ của hai bạn và sự chắc chắn hệ thống "hỗ trợ" của họ. Nếu đối phương đang ở trong một trạng thái tâm lý không ổn định, hãy lắng nghe những suy nghĩ của họ một cách chân thành, không đánh giá. Nếu họ chưa sẵn sàng chia sẻ (đặc biệt trong giai đoạn đầu của mối quan hệ), hãy nhắc cho họ biết rằng bạn luôn sẵn sàng lắng nghe và ở đó cho họ. Điều này sẽ giúp họ cảm thấy yên tâm tìm đến bạn khi họ sẵn sàng.

  4. Tìm hiểu xem bạn có thể làm gì để giúp họ: Đôi khi, việc đơn giản nhất chúng ta có thể làm đó là nói chuyện thẳng thắn với đối phương và cố gắng hiểu xem bạn có thể làm gì để giúp họ cảm thấy an tâm và thoải mái hơn khi họ ở trong những giai đoạn khó khăn. Có thể bạn sẽ rất bất ngờ với câu trả lời của đối phương đó. Ngoài ra, nếu đối phương chưa sẵn sàng mở lời, bạn có thể gợi ý cho họ viết ra và đưa cho bạn đọc.  

  5. Trân trọng những cố gắng và những cải thiện của đối phương: Khi bạn nhận thấy được những cố gắng và tiến triển của đối phương trong việc đối phó với những khó khăn tâm lý của họ, đừng ngại ngần cho họ biết rằng họ đang làm rất tốt và bạn tự hào về họ. 

  6. Chăm sóc bản thân: Việc xác định phương hướng trong một mối quan hệ lãng mạn với người có các vấn đề tâm lý là một việc không hề dễ dàng. Vì vậy, việc chăm sóc bản thân là một điều không thể thiếu để duy trì một mối quan hệ lành mạnh. Hãy nhớ rằng, bạn không thể chăm sóc và hỗ trợ người khác khi bản thân mình không ở trong một trạng thái tốt. Hãy tham khảo một số hành động chăm sóc bản thân mình trong Cẩm nang Chăm Sóc Bản Thân của InPsychOut nhé.  

KHÔNG NÊN  

  1. Cá nhân hóa khó khăn của đối phương: Nếu ở trong mối quan hệ với người có rối loạn tâm lý, chắc hẳn đã có lúc bạn cảm thấy mình bị "bơ", hay họ không hoàn toàn tập trung khi nói chuyện với mình. Trong những lúc như thế này, hãy nhớ bình tĩnh lại và xem xét xem đây có phải là ảnh hưởng của những vấn đề tâm lý hay không (ví dụ: có phải họ đang lo âu suy nghĩ đến kỳ thi sắp tới, hay cuộc phỏng vấn cuối tuần; hoặc có phải họ đang ở trong giai đoạn trầm cảm, v.v.). Hãy nhớ rằng, trong phần lớn thời gian, những triệu chứng này không phản ánh về bạn cũng như mối quan hệ của hai người. Thay vì cá nhân hoá chúng, hãy hỏi xem bạn có thể làm gì để giúp họ bình tĩnh và cảm thấy khá hơn.

  2. Xem nhẹ những khó khăn và trải nghiệm của đối phương: Chắc hẳn sẽ có những lúc bạn muốn nói với đối phương "thôi đừng quan tâm tới nó nữa" hay "đừng lo nữa, có gì đâu mà lo, mà buồn". Tuy nhiên, điều này có thể bị hiểu lầm rằng bạn đang xem thường những suy nghĩ của họ và khiến họ trở nên khép mình, khó chia sẻ với bạn hơn. Vì vậy, việc rèn luyện cách đối phó với các triệu chứng của đối phương là rất quan trọng. Ví dụ, thay vì những lời nói trên, bạn có thể nói: "Anh/em biết là em/anh đang cảm thấy như vậy và không muốn chúng tiếp tục ảnh hưởng tới em/anh, anh/em có thể làm được gì không?". Ngoài ra, tránh sử dụng những từ ngữ mang tính chất "đánh dấu", kỳ thị như "bị điên", "không bình thường" khi nói về cảm xúc, trải nghiệm của họ. Điều này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ của hai người, và có thể dễ dàng kết thúc tình cảm giữa hai người. 

  3. Cố gắng làm "nhà tham vấn" của họ: Dù bạn có yêu thương, quan tâm đối phương tới đâu, bạn sẽ không thể là người duy nhất giúp đỡ đối phương. Hãy nhớ rằng, bạn ở đó để ủng hộ và hỗ trợ đối phương chứ không phải trở thành nhà trị liệu của họ. Vì vậy, đừng đặt cho bản thân mình trách nhiệm phải "chữa lành" hay "làm họ khá lên". Đây sẽ là một quá trình dài của chính bản thân họ và có thể trong nhiều trường hợp, sẽ cần cả những can thiệp chuyên môn. 

  4. Thoả hiệp ranh giới cá nhân: Việc yêu thương và muốn ở cạnh một người không đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn phải chấp nhận tất cả những hành động của đối phương, đặc biệt là những hành động có xu hướng tiêu cực và gây nhiều ảnh hưởng tới bạn. Việc tìm hiểu kỹ về rối loạn tâm lý cũng như nhìn nhận rõ những ảnh hưởng của chúng lên mối quan hệ của hai người là bước đầu quan trọng trong việc đặt ra ranh giới cho những điều bạn cần và có thể chấp nhận, thấu hiểu cũng như những việc bạn không thể trong một mối quan hệ.

Lời Kết

Hãy nhớ rằng, người yêu hay vợ/chồng bạn không đột nhiên trở thành một con người khác khi họ có những vấn đề và rối loạn tâm lý. Chúng ta không thể phủ nhận rằng những triệu chứng, ảnh hưởng của chúng có thể khiến cho họ dường như trở thành "một con người khác". Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không hề đúng. Họ vẫn là người mà bạn luôn luôn yêu quý và trân trọng. Đừng để các vấn đề này cản trở mối quan hệ của hai bạn. Thay vào đó, hãy yêu thương, hỗ trợ nhau để cùng vượt qua chúng và xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, bền vững.

Biên tập: Thoa Đinh | Thiết kế: La Quỳnh

Nguồn tham khảo: 

[1] How To Love Someone With A Mental Illness | NAMI: National Alliance on Mental Illness [Internet]. Nami.org. 2022 [cited 10 February 2022]. Available from: https://www.nami.org/Personal-Stories/How-To-Love-Someone-With-A-Mental-Illness

[2] LMFT MF. Verywell Mind [Internet]. Living With Someone With Mental Illness; 2015 Oct 7 [cited 2022 Feb 10]. Available from: https://www.verywellmind.com/coping-with-a-mentally-ill-spouse-2302988 

[3] Mental Health Program at Banyan Treatment Centers [Internet]. Dating Someone With A Mental Illness | Banyan Mental Health; [cited 2022 Feb 10]. Available from: https://www.banyanmentalhealth.com/2019/01/17/dating-someone-with-a-mental-illness/.

T.S Hương Lê

Tiến Sĩ Tâm lý lâm sàng

Previous
Previous

Khả Năng Phân Loại Bị Ảnh Hưởng Như Thế Nào Bởi Đặc Điểm Của Vật Xung Quanh

Next
Next

Ảnh Hưởng Của COVID-19 Đến Cảm Giác Liên Kết Với Những Người Xung Quanh