Bạn Có Đang Cô Đơn?
Cô đơn là gì?
Cô đơn là một trạng thái tinh thần phức tạp, khiến con người cảm thấy trống trải, lạc lõng, đơn độc, bị cô lập, hoặc bị ngắt kết nối với xã hội một cách không mong muốn. Những người cô đơn thường khao khát kết nối với người khác, nhưng trạng thái tâm trí của họ khiến việc hình thành kết nối với người khác trở nên khó khăn hơn. Cô đơn có thể hiện hữu và được cảm nhận ngay cả khi có nhiều người xung quanh trong công việc, cuộc sống.
Nguyên nhân
Cô đơn có thể bắt nguồn từ việc thiếu tiếp xúc xã hội hoặc những mối quan hệ xã hội hiện có không mang lại cảm giác thỏa mãn như mong đợi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới cảm giác cô đơn, trong đó, được nhắc đến nhiều nhất là các nguyên nhân như hoàn cảnh sống, sự kiện xảy ra trong suốt cuộc đời, và các yếu tố bên trong.
Yếu tố văn hóa, xã hội nơi cá nhân đang sinh sống có thể góp phần vào cảm giác cô đơn. Những quy chuẩn xã hội, những quan điểm, chuẩn mực được hình thành theo thời gian; những biến đổi, trào lưu của cuộc sống hiện đại; những kỳ vọng của gia đình, bạn bè và cả chính họ ảnh hưởng đến cách cá nhân nhận thức, đánh giá về cuộc sống và con người của họ. Một số người cảm thấy họ không thể sống theo ý mình hoặc không được là chính mình, không dám thể hiện con người thật của mình vì nỗi sợ bị đánh giá, bị từ chối. Một số khác cảm thấy áp lực khi họ không theo kịp thời đại, không giống với những người xung quanh. Kết quả là họ cảm thấy bị ngắt kết nối với xung quanh, không thể bày tỏ bản thân, cảm xúc hoặc vấn đề của mình, không ai có thể hiểu mình [1,2].
Những thay đổi xảy ra trong cuộc sống như chuyển nhà, chuyển trường, thất nghiệp, chuyển việc, ly hôn, con cái rời nhà, mất mát tang chế, bệnh tật, tình trạng sức khỏe tâm thần, các sang chấn, ... cũng thường dẫn đến sự cô đơn. Những sự việc này làm xáo trộn cuộc sống của cá nhân, thay đổi thói quen và các mối quan hệ của họ. Họ có thể không có ai để nương tựa, trò chuyện, quan tâm [1-3].
Cảm giác cô đơn cũng có thể bắt nguồn từ các yếu tố bên trong như tính cách, khả năng kiểm soát, tình trạng tinh thần, lòng tự trọng thấp, cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng và các chiến lược ứng phó không hiệu quả với các tình huống làm cho cá nhân kém tự tin, khó khăn trong việc tạo lập và duy trì các kết nối xã hội, và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn [1,2].
Hậu quả
Cô đơn được xem như một cảm xúc tiêu cực và là một nguyên nhân làm suy giảm hạnh phúc. Nó dẫn đến cảm giác đau khổ, tổn thương, mất mát, sợ hãi, mệt mỏi và kiệt sức [2]. Ở một mức độ đáng kể và kéo dài, trải nghiệm cô đơn có tác động bất lợi đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Nghiên cứu của Hämmig năm 2019 cho thấy cô đơn có liên quan chặt chẽ với tình trạng sức khỏe kém, đa bệnh (multimorbidity), các vấn đề sức khỏe tích lũy (cumulative health problems) và các hành vi tiêu cực như không hoạt động thể chất, chế độ ăn uống không lành mạnh, tăng sử dụng thuốc hướng thần (psychotropic medications) [4].
Cô đơn có một mối liên hệ đặc biệt mạnh mẽ với trầm cảm [4]. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa cô đơn và trầm cảm, như cảm giác bất lực và đau khổ. Những người cô đơn có nhiều triệu chứng trầm cảm hơn, vì họ được ghi nhận là ít hạnh phúc hơn, ít hài lòng hơn và bi quan hơn [5]. Ngoài ra, cô đơn cũng được xem là một yếu tố rủi ro của hành vi tự sát, các vấn đề về giấc ngủ, rối loạn ăn uống, ... Hậu quả của sự cô đơn cũng được tìm thấy ở những người trưởng thành mắc các rối loạn nhân cách và rối loạn thích ứng, chẳng hạn như uống quá nhiều rượu, mất lòng tự trọng, các dạng lo lắng quá mức, mất năng lượng và căng thẳng [2].
Cô đơn cũng làm tăng khả năng mắc các bệnh về thể chất vì nó có tác động xấu đến hệ thống miễn dịch, tim mạch và nội tiết [2]. Nó cũng được phát hiện là có mối quan hệ với các rối loạn cơ xương và là yếu tố dự đoán độc lập về suy giảm vận động khi về già [2,4]. Cô đơn dai dẳng, quá mức và lan tỏa sẽ làm phát triển căng thẳng và cuối cùng lên đến đỉnh điểm là một căn bệnh nghiêm trọng về thể chất. Nó cũng dẫn đến suy giảm trí nhớ và khó khăn trong học tập, đồng thời tăng khả năng mắc bệnh Alzheimer [2].
Đối mặt với cô đơn
Việc tự cảm thấy mình đang cô đơn là một dấu hiệu cho thấy có thể điều gì đó cần phải thay đổi trong cuộc sống của bạn. Dù có thể sẽ không dễ dàng để thay đổi trong một sớm một chiều, bạn có thể thực hiện các bước nhỏ để giúp giảm bớt cảm giác cô đơn và xây dựng các kết nối hỗ trợ. Dưới đây là một vài gợi ý để bạn có thể ứng phó với sự cô đơn và cải thiện sức khỏe tinh thần của bản thân.
Khám phá những điều mới
Để làm cho cuộc sống hàng ngày có thêm những sắc màu mới, bạn có thể tham gia một lớp học hoặc câu lạc bộ mà mình yêu thích, hay tham gia các hoạt động xã hội có ý nghĩa mà trước đây chưa từng thử. Những tình huống này mang đến những cơ hội để gặp gỡ mọi người, vun đắp tình bạn và tạo ra các mối quan hệ xã hội mới. Hoặc nhận nuôi một con vật cưng để giảm cảm giác cô đơn; hay thực hiện danh sách những việc cần làm để phân tán tâm trí ra khỏi cảm giác cô đơn.
Thay đổi góc nhìn
Những người cô đơn thường lo sợ bị đánh giá hoặc bị từ chối, vì vậy họ thường không dám bộc lộ bản thân, có xu hướng thu mình và tự cô lập chính mình [1]. Thay vì lo sợ, hãy tập trung vào những mặt tích cực, mặt tốt của con người, mối quan hệ với những người xung quanh và các sự kiện trong cuộc sống. Để có thể thực hiện được điều này, hãy cố gắng "chuẩn bị tinh thần" tốt nhất cho bản thân có thể. Việc có những chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất" hay các "nếu như" sẽ giúp cho bạn cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi đối mặt với những tình huống đem lại nhiều e ngại và lo sợ.
Xây dựng và duy trì các mối quan hệ cá nhân
Cảm giác cô đơn có thể được giảm bớt đi khi bạn có những mối quan hệ cá nhân tích cực và gắn bó. Vì vậy, hãy chủ động tăng cường các mối quan hệ với những người thân trong gia đình, những người bạn hiện có; thử chào hỏi những người tình cờ gặp, tìm kiếm và kết nối với những người có cùng quan điểm, sở thích và giá trị với bạn.
Rèn luyện các kỹ năng xã hội
Bạn có thể bắt đầu từ việc mỉm cười với mọi người, nói những câu đơn giản như “xin chào”, “cảm ơn”, ... rồi tới việc tham gia các hoạt động như xung phong thuyết trình, tham gia các câu lạc bộ, chủ động nhờ người khác giúp đỡ, ... để làm quen dần với việc tiếp xúc nhiều người và tích lũy các kỹ năng cần thiết. Các kỹ năng xã hội này sẽ rất hữu ích đối với việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ gắn bó tích cực.
Thực hành chăm sóc bản thân (Self-care)
Bạn có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần bản thân bằng nhiều cách, từ những việc nhỏ như cố gắng lắng nghe cảm giác của bạn và hiểu những gì bạn cần (chứ không phải những gì bạn nghĩ người khác cần ở bạn); dành thời gian thực hiện một hoạt động khiến bạn cảm thấy thoải mái hoặc cũng có thể là không làm gì cả khi bạn cảm thấy quá tải,... Đồng thời, đừng quên ghi nhận những cố gắng của chính mình, dù đó chỉ là một việc nhỏ nhưng nó có thể là khởi đầu cho những thay đổi lớn về sau.
Tìm kiếm sự giúp đỡ
Người mạnh mẽ đến đâu cũng đều có lúc cần sự giúp đỡ. Nếu bạn cảm thấy mắc kẹt trong tình trạng cô đơn và không thể tự mình thoát ra được, bạn có thể thử nhờ sự trợ giúp của người thân, bạn bè, những tổ chức hỗ trợ trực tuyến, hoặc gặp một nhà tham vấn tâm lý. Bởi vì, việc nhận thức, chấp nhận tình trạng hiện tại của mình và mong muốn thay đổi sẽ là một khởi đầu tốt cho việc giải quyết vấn đề đó.
Tóm lại, cô đơn là một trải nghiệm phức tạp. Một người trải qua sự cô đơn sẽ có cảm giác bị ngắt kết nối với người khác, không hòa hợp với xã hội, hoặc không tìm thấy ai ở bên mình. Nó gây ra sự khó chịu, đau khổ về mặt tinh thần và có nguy cơ phát triển thành các vấn đề về hành vi, các rối loạn tâm lý hoặc các rối loạn chức năng sinh học. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cô đơn, vì vậy cũng có nhiều cách để ứng phó với nó. Tùy thuộc vào tình huống, trạng thái và khả năng của mỗi người mà sẽ có những cách khác nhau để ứng phó với cô đơn.
Vậy thì, bạn có đang cô đơn?
Sẽ không có gì bất thường nếu câu trả lời là “có” và bạn cảm thấy rằng nó thật "đáng ghét". Cảm giác cô đơn có thể phổ biến và dai dẳng trong xã hội hiện đại nhiều hơn bạn tưởng tượng; bất cứ ai cũng sẽ có lúc gặp phải cô đơn trong quá trình phát triển của mình. Đồng thời, nhận thức của xã hội về sự cô đơn cũng đang thay đổi, người ta quan tâm hơn về các vấn đề tinh thần, có nhiều hoạt động, cách thức, và các kênh hỗ trợ mọi người đối mặt với cô đơn. Nếu bạn không biết phải bắt đầu từ đâu, hãy thử thực hiện những hành động nhỏ từ những gợi ý ở trên; đó có thể sẽ là bước đầu tiên trên hành trình đối mặt với nỗi cô đơn của mình.
Biên Tập: Hương Lê | Thiết Kế: Quỳnh La
Tham khảo:
[1] Fardghassemi S, Joffe H. The causes of loneliness: The perspective of young adults in London's most deprived areas. PLoS One. 2022 Apr 6;17(4):e0264638. doi: 10.1371/journal.pone.0264638.
[2] Tiwari SC. Loneliness: A disease? Indian J Psychiatry. 2013 Oct;55(4):320-2. doi: 10.4103/0019-5545.120536.
[3] Hyland P, Shevlin M, Cloitre M, Karatzias T, Vallières F, McGinty G, Fox R, Power JM. Quality not quantity: loneliness subtypes, psychological trauma, and mental health in the US adult population. Soc Psychiatry Psychiatr Epidemiol. 2019 Sep;54(9):1089-1099. doi: 10.1007/s00127-018-1597-8.
[4] Hämmig O. Health risks associated with social isolation in general and in young, middle and old age. PLoS One. 2019 Jul 18;14(7):e0219663. doi: 10.1371/journal.pone.0219663.
[5] Mushtaq R, Shoib S, Shah T, Mushtaq S. Relationship between loneliness, psychiatric disorders and physical health? A review on the psychological aspects of loneliness. J Clin Diagn Res. 2014 Sep;8(9):WE01-4. doi: 10.7860/JCDR/2014/10077.4828.