Có cách nào để giảm tối đa tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị bệnh tâm lý không?
Chào bạn! Bạn cho mình hỏi có cách nào để giảm tối đa tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị bệnh tâm lý không?
Chào bạn,
Rất cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi của mình đến InPsychOut. Do tính chất đa dạng của các rối loạn tâm lý, hiện nay có rất nhiều thuốc điều trị tâm lý khác nhau được sử dụng cho nhiều mục đích cá biệt hay trùng lặp. Vì vậy, trong bài viết này chúng mình sẽ tập trung vào hai loại thuốc thường gặp nhất, đó là thuốc chống trầm cảm (antidepressant, còn được sử dụng để đối phó với lo âu) và thuốc chống loạn thần (antipsychotic). Việc sử dụng thuốc điều trị rối loạn tâm lý, như các loại thuốc thông thường khác, đều có thể dẫn đến những tác dụng phụ ngoài ý muốn, và sẽ có ảnh hưởng khác nhau lên những cá nhân với thể trạng khác biệt. Khi gặp phải các tác dụng phụ gây trở ngại đến khả năng sinh hoạt của mình, điều đầu tiên bạn nên làm chính là trao đổi với bác sĩ tâm thần của mình để đưa ra những quyết định phù hợp. Một số phương án bạn có thể cân nhắc bao gồm:
- Lắng nghe cơ thể và miêu tả những gì đang diễn ra:
Tuy điều này nghe có vẻ rất hiển nhiên, nhưng chúng mình tin rằng nó rất quan trọng và luôn cần được nhấn mạnh. Hãy luôn truyền đạt rõ ràng và rành mạch với bác sĩ những gì mình đang trải qua. Đừng làm quá hay xem nhẹ những triệu chứng của mình cũng như mức độ nghiêm trọng của chúng. Những rối loạn tâm lý thường khó quản lý vì đối phương không thể biết một cách khách quan những gì đang diễn ra trong tâm trí của bạn. Vì vậy, việc thường xuyên giao tiếp những điều khiến bạn bận tâm sẽ giúp quá trình trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu bạn không cảm thấy khá hơn hay mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng giảm xuống sau một thời gian dài sử dụng, hãy báo bác sĩ. Để tránh gặp các tác dụng phụ, cách đơn giản nhất là sử dụng thuốc theo đúng nhu cầu và hiệu quả.
- Giảm liều lượng:
Đối với một số tác dụng phụ, cách hữu hiệu nhất để đối phó với chúng là giảm liều lượng thuốc. Quyết định và quyền điều chỉnh liều lượng thuốc là của bác sĩ, nhưng việc biết được đây là một khả năng sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình làm việc với họ. Việc giảm liều lượng thuốc là một phương pháp ưu tiên để đối phó với những tác dụng phụ như bị khô miệng, nhòa mắt, giảm ham muốn tình dục, run rẩy (tương tự như ở bệnh Parkinson’s)
- Thay đổi sang một loại thuốc cùng chức năng khác:
Như đã nói ở trên, mỗi loại thuốc đều có ảnh hưởng khác nhau lên từng cá nhân. Vì vậy, một cách khác mà bác sĩ của bạn có thể can thiệp để tránh những tác dụng phụ quá lấn át là thay bằng một loại thuốc khác. Loại thuốc này sẽ có cùng chức năng (như chống trầm cảm, điều trị lo âu, v.v.) nhưng có những tác dụng phụ khác, và có thể sẽ dễ chịu với bạn hơn, so với loại thuốc bạn đã sử dụng trước đó. Lựa chọn này có một nhược điểm rằng bạn sẽ phải bắt đầu lại quá trình thích nghi ban đầu và có thể bạn sẽ phải thử qua vài loại thuốc khác nhau trước khi tìm được loại phù hợp nhất.
- Áp dụng các phương pháp kiểm soát không dùng thuốc:
Phương án này sẽ phù hợp với các triệu chứng khí sắc hơn là những triệu chứng loạn thần. Về cơ bản, song song với hóa dược trị liệu, bạn cũng có thể tìm đến tâm lý trị liệu hay một số phương pháp tự xoa dịu cho bản thân. Một số hình thức xoa dịu bao gồm sinh hoạt điều độ, tập thể dục thường xuyên, chia sẻ cảm nhận với những người xung quanh, viết nhật ký (biết ơn), tô màu, nối số, v.v.
- Dùng kèm thuốc đặc trị
Tuy phổ biến nhưng đây lại không phải là một phương án tối ưu. Sử dụng thêm thuốc đặc trị chưa chắc đã hiệu quả đối với các tác dụng phụ mà còn có thể có thêm những tác dụng phụ riêng kèm theo cũng như tương tác thuốc. Do vậy, việc sử dụng thuốc đặc trị trong điều trị các tác dụng phụ sẽ cần phải được cân nhắc rất kỹ.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác mà bạn cần cân nhắc khi bắt đầu sử dụng thuốc chính là thời gian: các tác dụng phụ có thể gây cản trở lớn ở thời điểm ban đầu nhưng sẽ thuyên giảm dần qua thời gian. Hãy kiên nhẫn vượt qua thời gian thích nghi có thể hơi trắc trở ban đầu (khoảng 6-8 tuần, tuy đã có thể thấy được một số hiệu quả ở mốc 3-4 tuần) và thường xuyên cập nhật tình trạng của mình với bác sĩ.