Không biết ở đây có ai cũng có hội chứng Asperger’s như mình không?
Không biết ở đây có ai cũng có hội chứng Asperger’s như mình không?
Thực sự mình biết bản thân không được bình thường như bao người khác. Mình cực kì nhút nhát, sợ phải gặp người lạ, họ hàng. Mình cực kỳ sợ giao tiếp bằng ánh mắt, sợ nhìn thẳng vào mắt đối phương. Mình có thể giao tiếp một cách tương đối, không quá tệ nhưng không thể kéo dài lâu. Và mình cực kì cục tính. Những lúc nói chuyện mình thường bị meltdown. Những lúc đấy mình bị cục tính, hay cáu gắt với mọi người, thậm chí nhiều lúc mình mất kiểm soát đã tát mọi người. Sau đó mình cảm thấy vô cùng hối hận vì hành động đó của mình, nhưng mình không thể kiềm chế được.
Liệu mình phải làm thế nào? Làm sao để kiềm chế bản thân, để đỡ ngại giao tiếp? Mình hi vọng các bạn Asperger’s có thể chia sẻ cách kiểm soát bản thân và phòng tránh meltdown.
Mình xin cảm ơn
Chào bạn, rất cảm ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ tâm sự của bạn với chúng mình và đã sử dụng IPO như một nền tảng kết nối với các bạn trẻ khác. Để tiện cho việc thảo luận giữa các cá nhân thì trước tiên chúng mình sẽ đưa ra một lưu ý luôn, đó là chúng mình không khuyến khích việc tự chẩn đoán và hy vọng các bạn độc giả sẽ chú ý tới lưu ý này. Việc chẩn đoán các rối loạn tâm lý, cũng như là các rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỷ, cần sự cân nhắc và theo dõi kỹ lưỡng của những người có chuyên môn và kiến thức về chúng.
Mặc dù chúng mình không thể tiết lộ tình trạng tâm lý của các thành viên InPsychOut, chúng mình có thể dựa vào những kết quả nghiên cứu và trị liệu để đưa ra một số gợi ý trong việc giao tiếp xã hội cho các cá nhân có Hội chứng Asperger, nay thuộc chẩn đoán Rối loạn phổ tự kỷ, như sau:
1.Xác định những khía cạnh giao tiếp bạn gặp trở ngại với: tuy các cá nhân tự kỷ thường có chung vấn đề với việc giao tiếp xã hội, mỗi người đều khác nhau về mặt mà mình gặp nhiều khó khăn nhất. Sau mỗi lần giao tiếp không thành công, hãy viết lại trải nghiệm của mình, mặc dù chúng mình hiểu rằng việc này hoàn toàn không dễ chịu, và liệt kê chi tiết những thứ bạn nghĩ đã diễn ra không như ý muốn. Hành động này sẽ giúp bạn chọn ra những vấn đề nổi cộm nhất và cần sự thay đổi nhiều nhất. Khi đã xác định được mục tiêu thì việc lên kế hoạch hành động cũng sẽ dễ hơn rất nhiều.
2. Quan sát: một số chương trình can thiệp giao tiếp dành cho các cá nhân tự kỷ xoay quanh việc xem các video miêu tả các hoạt cảnh mà nhân vật chính thực hiện thành công một kỹ năng xã hội nhất định. Từ đó, người xem có thể bắt chước những cách xử lý được sử dụng trên màn ảnh. Ngoài ra, cũng theo nguyên tắc này, bạn có thể bỏ ra thêm thời gian để quan sát cách tương tác của những người xung quanh và xem nó như là một thí nghiệm nho nhỏ. Hãy để ý những chi tiết như hoàn cảnh xảy ra giao tiếp, nội dung giao tiếp cần xử lý và cách người giao tiếp đã xử lý thành công như thế nào. Hãy sử dụng những thông tin này làm “bản vẽ” cho những lần giao tiếp có các yếu tố tương đồng.
3. Sự hỗ trợ từ bạn bè: Hãy nghĩ về việc tăng khả năng giao tiếp tương tự như bất cứ việc học thêm một kỹ năng mới nào khác: làm cùng với bạn bè thì sẽ có nhiều động lực hơn và cũng sẽ giúp bạn đỡ ngại hay rụt rè hơn. Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng việc nhận hỗ trợ từ một người bạn không tự kỷ trong việc định hình giao tiếp có thể đem lại kết quả khả quan. Cùng với người bạn của mình, hãy trao đổi những khó khăn mà bạn thường gặp phải trong giao tiếp và nói rõ rằng việc đi chơi và tương tác với họ có thể giúp bạn cải thiện một trở ngại rất lớn trong cuộc sống. Vai trò chính của họ sẽ là khuyến khích bạn tích cực tương tác hơn với những người xung quanh, và có thể chỉ ra một số vấn đề giao tiếp mà bạn đang trải qua.
Chúng mình hy vọng những gợi ý này sẽ phần nào giúp ích cho bạn và sẽ cùng bạn đón chờ những lời khuyên đến từ các bạn tự kỷ khác ở dưới phần comment nhé!